Quảng Bình, không chỉ là dải đất miền Trung nổi tiếng với khu vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, nơi đây còn có đường bờ biển dài và đẹp, người dân Quảng Bình chất phát thật thà, kiên cường trong cả thời chiến cũng như chống lại thiên nhiên khắc nghiệt tại nơi đây. Đây còn là một vùng đất chứa đựng bên trong nhiều đặc sản mang hương vị đặc trưng khiến cho du khách đến đây cứ lưu luyến mãi chẳng muốn quay về.
Nếu đã có dịp đi ngang qua hay tới đây để du lịch, bạn hãy thử thưởng thức những món ăn mang dấu ấn và hương vị riêng biệt của vùng đất hẹp nhất nước ta nhé.
Cháo canh cá lóc
Cháo canh là một trong những món ăn đặc sản Quảng Bình cũng khá giống với phở của Hà Nội hay bún bò Huế. Được gọi là cháo bánh canh hay bánh canh Quảng Bình bởi thành phần để làm ra món ăn này là những sợi bánh được làm từ canh gạo hoặc làm bằng gạo lứt ( gạo đỏ).
Giản dị và cũng không hề chau chuốt, sợi bánh canh này hoàn toàn được làm thủ công, từ nhào, cán, cắt mỏng nên cảm giác sợi khá to, dày và cứng. Thêm nữa là phần nước dùng sền sệt với sự kết hợp của tôm, cá, thịt heo nạc… Khi phục vụ khách hàng, cháo canh được rắc lên bên trên là hành, ngò thái mỏng thơm lừng. Món cháo canh này ăn kèm thêm với rau cải xanh cắt nhỏ tạo mùi vị bùi bùi, cay hăng khi thưởng thức.
Đặc biệt, một số người dân còn ăn chung cháo canh cùng với nem rán béo ngậy, giòn tan làm tăng thêm thêm phần lạ miệng hơn.
Thưởng thức món cháo canh cá lóc ở đâu?
- Quán Bà Hồng: Số 51 đường Nguyễn Hữu Cảnh, thành phố Đồng Hới.
- Quán Sơn Thu: đường Phan Bội Châu, TP. Đồng Hới
- Quán Cháo Xát: Số 11-13 đường Hà Huy Tập, TP. Đồng Hới
Bánh lọc + Bánh nậm
Không có xuất từ Quảng Bình nhưng bánh lọc nơi đây lại được gia giảm và biến đổi để cho món này khác đi phần nào, khiến cho nó có chút khác biệt so với bánh lọc ở xứ Huế. Thứ bột sắn lọc bọc ngoài phần nhân bao gồm tôm đồng, mộc nhĩ và các loại gia vị khác tạo nên hương vị khó quên cho người thưởng thức.
Nhìn thì đơn giản đó nhưng quá trình chế biến cũng rất công phu, bột làm bánh chia làm hai phần, một nửa đem luộc chín vài phần là khi nhìn thấy lớp ngoài trong suốt, phần nhân bên trong còn trắng sống. Hớt bọt ra để nguội, đem trộn lẫn phần sống với phần chín.
Sau đó, cho loại tôm nhỏ được bắt ở cửa sông, cùng với đó là mộc nhĩ và các gia vị thân thuộc khác tạo phần nhân rồi gói lá chuối đem hông (giống với đồ xôi). Nếu không, còn có cách khác là trụng trực tiếp và ăn nóng ngay tại chỗ.
Bánh lọc phải chấm cùng với nước mắm chắt, thêm vào chút ớt chỉ thiên cay xè mới đúng điệu. Món bánh này vừa rẻ mà vừa ngon lại để trong một khoảng thời gian khá lâu nên du khách đến đây không chỉ thưởng thức tại chỗ mà còn có thể mua về làm quà.
Thưởng thức bánh lọc bánh nậm ở đâu ở đâu?
- Quán Mệ Xuân: Đường Lê Thành Đồng, TP. Đồng Hới
- Quán Hương Hoài: Đường Lê Thành Đồng, TP. Đồng Hới
Ram đẻn
Đây là tên khác của một loại rắn biển có thân nhỏ, thon, dài và có giá trị dinh dưỡng cao trong thực phẩm cũng như trong chữa bệnh. Những món ăn chế biến từ đẻn biển thì rất tươi ngon, bổ dưỡng và đáng để thử qua.
Trong số đó, món tiết đẻn là món mà du khách rất ưa thích và thường gọi khi đến Quảng Bình. Đẻn biển sẽ được người có tay nghề cắt tiết, xong cho trực tiếp vào rượu và được đem lên phục vụ khách ngay khi vừa xong hoặc cho nguyên con vào ngâm rượu, có tác dụng rất tốt cho phụ nữ và giúp ăn ngủ tốt hơn.
Tiết đẻn cùng với rượu cho vị ấm nồng và có thêm vị chan chát rất khó quên, khiến cho người ta lâng lâng trong men say, nhất là khi mà vừa được hưởng thụ vẻ đẹp của các hang động tuyệt vời.
Thịt đẻn có thể làm thành nhiều món ăn khác nhau, băm nhỏ ra rồi ướp gia vị, sau đó đem chiên thành từng chiếc ram nhỏ hay món cháo đẻn, đẻn hầm sả ớt, chả đẻn, đẻn nướng cuốn lá lốt, đẻn bằm xúc bánh đa, và đẻn hầm thuốc bắc… Tất cả món nào cũng rất tuyệt vời, món nào cũng đều thơm ngon đến miếng cuối cùng.
Thưởng thức Ram đẻm ở đâu?
- Quán chuyên về hải sản dọc đường Trương Pháp: Nhà hàng Đức Hạnh, Nhà hàng Phương Mận, Nhà hàng Hải Yến, nhà hàng Sơn Hạnh…
- Nhà hàng Nổi dọc đường Hương Giang: Nhà hàng nổi Bình Yên, Sóng Thần, Bình Minh, Phố Biển
Lẩu cá khoai
Có thể cái tên cá khoai còn khá xa lạ với nhiều người. Cá khoai là một loại cá có xương mềm, thịt thì nhão nên nhiều người còn gọi nó là cá cháo. Xưa kia thì cá này chỉ dùng cho gia súc, nhưng nay nó đã biến đổi thành một món đặc sản. Cá khoai ở Quảng Bình thường được ngư dân đánh bắt và được đem lên bờ sớm vì vậy thực khách thường được ăn đồ tươi ngon, thì thịt cá thơm ngon hơn nhiều nơi khác.
Chỉ cần với các loại gia vị bình thường, quen thuộc để ướp cá khoai khi làm lẩu. Nước dùng thì cũng được làm rất đơn giản, chỉ xung quanh dăm ba loại phổ biến như cà chua, măng chua, khế, nấm, chua me, dưa cải. Khi ăn, mọi người quây quần bên nồi lẩu, chờ nó sôi thì cho cá vào nhúng, sôi lại chút là vớt ra ăn liền lúc còn nóng hổi thì ngon hết ý.
Vừa nói chuyện với nhau, vừa rẽ thịt cá khoai, hay nếu thích thì có thể nhai cả xương vì xương nó mềm, ăn kèm chút rau sống, thường là các loại rau như rau xà lách, rau cải, rau cần, rau ngò… thì không còn gì ngon hơn.
Chỉ là một món ăn gần gũi và dân giã như thế thôi, đặc sản lẩu cá khoai Quảng Bình vẫn khiến du khách không thể quên thương nhớ khi rời xa.
Thưởng thức Lẩu cá khoai ở đâu?
- Quán chuyên về hải sản dọc đường Trương Pháp: Nhà hàng Đức Hạnh, Nhà hàng Phương Mận, Nhà hàng Hải Yến, nhà hàng Sơn Hạnh, quán nhậu Minh Hà…
- Nhà hàng Nổi dọc đường Hương Giang: Nhà hàng nổi Bình Yên, Sóng Thần, Bình Minh, Phố Biển
Bánh Khoái
Thoạt nhìn vẻ ngoài thì bánh khoái có nhiều nét tương đồng với bánh xèo của miền nam. Chỉ khác ở chỗ là bánh khoái sẽ to hơn và giòn hơn, cách chế biến thì cũng cầu kỳ hơn và đặc biệt là phần nước chấm (người dân địa phương thường đó gọi là nước lèo) mang nhiều hương vị hơn.
Bột gạo dùng để làm bánh phải chọn ra được loại gạo ngon, được xay nhuyễn, hòa với nước tạo ra hỗn hợp lỏng. Để bánh khi chiên lên được giòn hơn, người ta còn hòa thêm vào trong đó một ít bột ngô, thêm trứng gà hoặc trứng vịt và một chút ít bột nghệ để tạo màu sắc cho bánh được đẹp và có nhiều dinh dưỡng hơn.
Nhân bánh sẽ bao gồm thịt nạc heo băm nhỏ đã ướp với gia vị, tôm con đã bóc vỏ và được sơ chế qua, “khuyến mãi” cho phần nhân thêm chút giá sống. Điểm lưu ý khi chiên bánh khoái là phải chú ý đến độ nóng của lửa để bánh có độ giòn và vàng. Phần nước chấm sở hữu hương vị đặc trưng, mùi thơm béo ngậy. Để làm ra được bát nước chấm đúng điệu cần phải có thịt nạc, cà chua, lạc rang, dứa, bánh quy,…
Vào những ngày mưa mát trời, thưởng thức một miếng bánh khoái nóng hôi hổi, mùi thơm lừng cuộn lại cùng với rau sống, chấm ngập nước lèo chắc chắn sẽ giúp bạn hiểu được vì sao bánh lại mang cái tên thú vị ấy.
Thưởng thức bánh khoái ở đâu?
- Quán bánh khoái Tứ Quý: Số 17 đường Cô Tám, phường Hải Đình, Đồng Hới
- Quán Cô Năm: Số 13 Trần Hưng Đạo, thành phố Đồng Hới
- Quán Ly Ly: Số 11A Cô Tám, thành phố Đồng Hới. Quán chuyên về nem lụi và bún thịt nướng, nhưng mình nghe nói bánh khoái ở quán cũng rất ngon.
Bánh Bèo
Bản thân những người con Đồng Hới vẫn luôn tự hào rằng, nơi đây chính là quê hương của món bánh bèo, dù bánh bèo có ở bất kỳ nơi đâu thì bánh bèo ở nơi đây vẫn là ngon nhất và đúng chất bánh nhất. Chính vì vậy, khi có dịp ghé qua nơi này các bạn đừng quên thưởng thức món ăn hấp dẫn này nhé. Ở Đồng Hới, các hàng đều là quán bình dân vì vậy không khó để kiếm một quán bánh bèo, và đa số người dân sẽ ăn ở quán “ruột” của mình.
Thưởng thức bánh bèo ở đâu?
- Quán cô Vân: Số 80 Lê Thành Đồng, thành phố Đồng Hới.
- Quán dì Tiếp: Số 27 Lê Thành Đồng, thành phố Đồng Hới.
- Quán Tứ Quý: Số 17 Cô Tám, thành phố Đồng Hới.
- Quán cô Nhơn: Đường Đồng Hải, thành phố Đồng Hới.
- Quán chuyên bánh bèo ở đường Lý thường Kiệt giao với đường Phan Chu Trinh, TP. Đồng Hới