Lào Cai còn được biết đến là “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Nơi đây không chỉ sở hữu phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà còn nổi tiếng với nền ẩm thực tây bắc rất cuốn hút. Đây cũng là dấu ấn đặc sắc giúp thu hút du khách tới tham quan và du dịch.
Mùa này, tiết trời Lào Cai bắt đầu se lạnh, thành phố biên cương xuất hiện những màn sương lãng đãng, đẹp một cách huyền ảo. Lên đây vào dịp chợ phiên Bắc Hà, Sapa, Mường Khương, Bát Xát,… du khách sẽ có dịp thưởng thức nhiều món ăn toát lên được những nét tinh tế trong nghệ thuật nấu nướng, chế biến ẩm thực đầy khéo léo cùng với hương vị núi rừng tây bắc,khiến ai biết tới cũng trót yêu thương và nhớ tới.
Bài viết tham khảo: Top 6 khách sạn Sa Pa xịn xò nhất mà bạn không thể bỏ qua
Thắng cố – Ẩm thực Lào Cai mà ai cũng biết
Món ăn hấp dẫn, thu hút đông đảo thực khách nhất phải kể đến thắng cố. Món ăn này thì vùng núi phía Bắc nào cũng có, nhưng ở Lào Cai lại mang một hương vị đặc sắc riêng mà không thể lẫn vào đâu được vì được chế biến từ “lục phủ ngũ tạng” của con ngựa. Gia vị kèm theo không thể thiếu gồm địa liền, thảo quả cùng với hạt dổi, củ sả, quế chi… được tẩm ướp với thịt rồi lúc xào rồi chế nước hầm nhừ trong chảo lớn.
Có hương vị đặc trưng quyến rũ, chảo thắng cố sôi lục bục trên bếp lửa hồng nhìn khá bắt mắt bởi những miếng thịt, đoạn lòng trăng trắng, miếng mỡ vàng nhạt, điểm xuyết những lá hành xanh ngắt dậy hương thơm của thịt, của gia vị làm ấm thêm không gian giữa tiết trời se lạnh. Bát thắng cố trở nên lôi cuốn hơn khi được dùng thêm với thứ rượu thóc San Lùng (Bát Xát), rượu ngô Bản Phố (Bắc Hà) được chưng cất đặc biệt bởi thứ men làm từ cây hồng mi. Sau khi sử dụng thực khách sẽ đắm chìm trong tinh hoa của đất trời ban tặng.
Xôi ngũ sắc
Món xôi ngũ sắc chỉ xuất hiện trong các dịp lễ hội, hoặc tết đến xuân về. Theo quan niệm của những người bản địa, ai được ăn sẽ gặp nhiều điều may mắn tốt lành. Với 5 màu chủ đạo gồm đỏ, vàng, trắng, xanh, đen (tím), tượng trưng cho ngũ hành tương ứng với kim – mộc – thủy – hỏa – thổ thể hiện sự tồn tại vĩnh hằng, làm nên sự tốt tươi của thiên – địa – nhân.
Hạt xôi thơm dẻo, căng mọng được chọn lựa từ nhiều loại gạo nếp Mường Vi (Bát Xát) Thẳm Dương (Văn Bàn),… với sắc màu tự nhiên được tạo bằng từ những nước của loại lá, cây rừng, củ cách và ngâm gạo. Mâm xôi đơm đầy và được nẹp khuôn như bông hoa năm cánh khoe sắc cùng mùi thơm đặc trưng không thể lẫn vào đâu được. Bất cứ loại xôi nào khiến thực khách khó quên.
Nông sản nướng ven đường
Đến với Lào Cai, du khách còn được thưởng thức thoải mái các món nông sản nướng thơm nức mũi từ ngô, khoai, hạt dẻ đến cá suối, lại cả trứng gà. Khi màn đêm buông xuống trong cái lạnh len lỏi qua khắp khu phố núi. Bấy giờ, còn gì thi vị hơn lúc được ngồi bên bếp lửa rực hồng ở một quán cóc ven đường nào đó, một chiếc bàn con, dăm ba chiếc ghế nhựa để nhâm nhi vài ly rượu Thanh Kim thấy lòng ấm lại trong cái lạnh tê tái để đắm chìm trong không gian tĩnh lặng.
Lợn cắp Nách
Lợn cắp nắp, tên gọi chung của giống lợn được người đồng bào dân tộc vùng cao trên Lào Cai được nuôi bằng hình thức thả rông. Mỗi khi đi chợ phiên, người bán có thể mang con lợn bằng cách cắp vào nách mang đi nên có tên là lợn cắp nách. Khác với thịt lợn nuôi bằng cám ở dưới đồng bằng, thịt lợn cắp nách Lào Cai có độ ngọt, thơm, thịt chắc mà không có nhiều mỡ và có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.
Một điều thú vị khác của ẩm thực Lào Cai là các món ăn chế biến từ thịt lợn cắp nách thơm ngon, giàu dinh dưỡng, đủ các món nướng, dồi, giả cầy, luộc, sườn nấu canh, các món có thể để lâu lạp xường, thịt hun khói. Rồi lợn sữa quay, vịt quay, thơm ngon. Trong thời gian chờ lợn chín, mọi người quây quần, tạo nên không khí nhộn nhịp, sôi động.
Nem măng đắng – món ăn độc đáo của người tày
Người dân tộc Lào Cai đã khéo léo kết hợp trong các món ăn với những nguồn gia vị thực phẩm phong phú sẵn có của núi rừng, tạo ra nhiều món khoái khẩu. Nem măng đắng của người Tày (Bảo Yên) là một trong số đó. Kỳ công và độc đáo là hai tính từ miêu tả món ăn độc đáo này, không dùng bánh đa nem thông thường cuốn mà dùng lá măng được luộc chín bóc từng lớp để cuộn với thịt gà tơ băm nhỏ trộn lá hẹ, củ kiệu, gia vị, ăn tới đâu biết tới đó.
Nem măng đắng chỉ phát huy hết hương vị thơm ngon khi kết hợp với hai thứ nước chấm. Một là nước chấm gia chuyển của người Thái, hai là tương ớt Mường Khương. Nước chấm được pha kỳ công kết hợp với ớt tươi giã nhuyễn, thêm một chút mắm, chanh rừng và gia vị bí truyền của dân tộc Thái đã tạo ra nên một món nước chấm cực kỳ khoái khẩu. Sự kết hợp giữa vị chua của chanh rừng, vị đắng nhẹ của măng cùng, vị cay của ớt với vị ngọt từ thịt gà tơ tạo nên một món ăn vô cùng đặc biệt, khiến người thưởng thức chỉ ước rằng mình được định cư ở đây để được cảm nhận mãi cái dư vị của vùng quê này.
Cá suối
Cá suối với kích cỡ 2-3 ngón tay. Cá có màu xanh để dễ ngụy trang khi lẫn vào những kẽ đá rong rêu ở những con suối. Cá suối khá nhiều xương nên người vùng cao chỉ chiên giòn để ăn cả xương lẫn thịt chứ không kho hấp hay nấu riêu… Những con cá rán trong chảo mỡ, ngả sắc vàng ươm, tỏa hương thơm ngây ngất. Đầu cá bùi béo, giòn tan, lớp vảy mỏng sởn lên vì mỡ nóng, bên trong là lớp thịt thơm ngon vàng giòn, có thể nhai luôn cả phần xương cá giòn tan. Chấm cá trong nước mắm nguyên chất pha chanh ớt, ăn với cơm nóng và ngọn cải ngồng luộc chín tới trong buổi tối Mường Hum lành lạnh, cảm giác không còn gì bằng.
Ngoài món cá chiên giòn, người dân địa phương còn mê món ruột cá (lòng cá) suối chưng. Họ xem đó là món ngon đặc sản cũng như là vị thuốc dân gian giúp phụ nữ trẻ trung, đàn ông khỏe mạnh. Người miền xuôi lên đây không nhiều người đủ can đảm dám ăn ruột cá vì sợ “chột bụng”. Có lẽ vì vậy mà người bản địa, nhất là đàn ông có thiện cảm với du khách bởi vì họ nói rằng: “Dân bản địa có khi đánh nhau chỉ vì ruột cá. Người miền xuôi không ăn món này thì thích quá!”.