Chính thức xuất hiện trong từ điển Merriam-Webster, “banh mi” một trong 9 từ ngữ liên quan đến ẩm thực được xuất hiện trong từ điển của Mỹ, Lần thêm này có các món ăn nổi tiếng của nhật, mexico, đến một số thực phẩm đặc biệt khác. Cùng nhau tìm hiểu lý do tại sao “banh mi“ lại đặc biệt đến mức như vậy.
Nguồn gốc của bánh mì tại Việt Nam
Thuở đầu thế kỷ XIX, người Pháp đã mang theo baguette (Bánh mì dài) đến với Gia Định (Sài Gòn) để thỏa cái thú trong ẩm thực phong lưu của mình. Nhằm tạo ra nhiều ổ bánh mì nóng hổi, thơm ngon phục vụ nhu cầu của tầng lớp thượng lưu, họ đã cho xây dựng những lò bánh mì đầu tiên tại Việt Nam.
Ngày đó, bánh mì vẫn còn “Tây” lắm, người Pháp gọi là baguette được kẹp với mứt, bơ, thịt nguội hoặc chấm với súp. Bằng sự sáng tạo riêng của người dân Việt Nam, năm 1958, tiệm bánh mì Hoà Mã – tiệm bánh vì Việt Nam đầu tiên ra đời, Ban đầu, tiệm cũng phục vụ bánh mì kiểu Tây với các loại thịt nguội để trong đĩa và phục vụ kèm dao, nĩa. Nhưng sau đó, không phải ai cũng có thời gian thư thả để ngồi lại ăn nên hai ông bà chủ tiệm bánh Hòa Mã đã nghĩ ra cách kẹp nhân chả lụa, pate, thịt, rau dưa chua.. vào bên trong ổ bánh mì để người mua tiện mang đi.
Theo thời gian, bánh mì đã có mặt ở đủ mọi miền của tổ quốc, được Việt hóa nhiều hơn để vừa lòng đa dạng thực khách: ruột ngày một mỏng và xốp, vỏ ngày một dày lên, kích cỡ bánh cũng nhỏ đi gấp 2 – 3 lần để tiện mang theo. Cứ thế, bánh mì đã bắt đầu chuyến hành trình chinh phục người dân Việt Nam, và trở thành món ăn nhanh “quốc dân” cho người người vì sự tiện lợi, đa dạng và quan trọng nhất là giá thành rất rẻ.
Bánh mì Việt Nam giờ không chỉ là một món ăn đường phố, mà còn mang trong đó độ tinh tế sang trọng thượng thừa. Bản thân bánh mì chất chứa cả một hành trình trải dài mang bản sắc văn hóa, ẩm thực.
Hành Trình chinh phục thực khách nước ngoài.
Năm 1975, khi một bộ phận người Việt di cư sang bờ Tây nước Mỹ đã hình thành nên cộng đồng người Việt tại đây. Ở đó, những người con đất Việt đã đưa món ăn này đến rộng rãi hơn với người Mỹ, rồi tiếp tục lan rộng sang nhiều quốc gia khác như Anh, Pháp, Đức, Úc…
Vị đầu bếp huyền thoại Anthony Bourdain khi ghé thăm Hội An vào năm 2009 và có cơ hội trải nghiệm món ăn đường phố này, sau đó ông có rất nhiều lời khen dành cho bánh mì Việt Nam, gây ra cơn chấn động trên giới ẩm thực thế giới. Ông nói rằng:”bánh mì Việt là loại bánh ngon nhất thế giới”. Sau khi đánh giá của ông xuất hiện trên kênh No Reservation, đã có rất nhiều khách du lịch nước ngoài ghé thăm Hội An để thưởng thức món bánh mì.
Được đưa vào cuốn Từ điển tiếng Anh Oxford năm 2011 và Từ điển Di sản Mỹ năm 2014, cụm từ “banh mi” đã chính thức có chỗ đứng cho riêng mình trong thế giới nói tiếng Anh. Năm 2013, bánh mì Việt Nam được tạp chí National Geographic bình chọn là một trong 11 món ăn đường phố ngon nhất trên thế giới. Năm 2017, bánh mì Việt Nam lọt top 10 món sandwich hấp dẫn nhất trên thế giới theo trang Traveller. Năm 2018, trang báo CNN đã ưu ái gọi tên bánh mì ở Hội An là “Vua của các sandwich trên thế giới”.
Và năm 2020, trên giao diện trang chủ của Google tại một số quốc gia như Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Canada, New Zealand, Áo xuất hiện hình ảnh hoạt họa về bánh mì Việt Nam cùng với cụm từ ” Tôn vinh bánh mì Việt Nam “. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử “gã khổng lồ công nghệ” Google thiết kế Doodle nhằm tôn vinh món bánh mì – một món ăn phổ biến của người Việt Nam.
Công thức gì khiến bánh mì Việt Nam đặc biệt đến thế ?
Merriam-Webster quyết định thêm các từ mới khi nó được càng ngày càng nhiều người sử dụng một từ có nghĩa và trong thời gian dài. Đó là lý do “banh mi” chính thức được bổ sung vào từ điển của họ.
Theo định nghĩa của từ điển này, bánh mì là “loại sandwich thường có vị cay trong ẩm thực Việt Nam. Nó được tách ra và có nhân kẹp bên trong, thường là thịt lợn, gà và các loại rau muối, dưa leo, ngò”.
Điều khiến các thực khách thế giới phải ngạc nhiên khi thưởng thức những ổ bánh mì Việt chính là hương vị thơm ngon lại được tạo ra bằng những nguyên liệu rất mộc mạc, gần gũi. Cái hay của người Việt là bên trong sự giản dị đó vẫn làm toát lên sự tinh tế, từ những nguyên liệu rất cơ bản, bình thường nhưng khi kết hợp với nhau lại cho ra đời món ăn ngon trứ danh, nổi tiếng vượt ra khỏi biên giới quốc gia.
Thực chất món ăn đường phố này rất đơn giản, để làm ra một ổ bánh mì ngon không hề khó và có rất nhiều cách tùy biến. Đầu tiên bạn nguyên liệu để làm bánh mì như rau mùi, dưa chuột, thêm chút dưa góp thái sợi để làm tăng hương vị, một ổ bánh mì thơm ngon, và những loại nhân bạn thích ăn. Có thể là pate, trứng chiên, dăm bông, thịt nướng,… Mỗi loại nhân sẽ có một hương vị khác nhau, thậm chí chỉ nguyên liệu hữu cơ như chả chay cũng có thể làm ra món bánh mì chay ngon miệng mà lại thân thiện với sức khỏe.
Một số loại bánh mì Việt Nam độc đáo nổi tiếng
Một số loại bánh mì ngon và đặc trưng có thể kể ở dưới đây:
Bánh mì pate (Sài Gòn): Là cái nôi của bánh mì Việt Nam, không lạ khi bánh mì pate ở Sài Thành ngon độc đáo. Còn cái tên là bánh mì thập cẩm với nhiều kiểu mix nhân khác nhau, mỗi loại lại có một hương vị riêng. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận đó là một sự bùng nổ vị giác bởi các hương vị kết hợp với nhau.
Bánh mì chảo (Hà Nội): Bánh mì sẽ ăn với một chảo đồ ăn bao gồm sốt, trứng ốp la, pate, xúc xích, hành tây,… Chảo đồ ăn đó sẽ được đun nóng xèo xèo. Khi ăn ta sẽ xé bánh mì ra và chấm vào chảo đồ ăn.
Bánh mì dân tổ (Hà Nội): Cái tên thì nghe độc đáo nhưng muốn ăn chiếc bánh mì này thì bạn phải thức khá là muộn đấy. Bánh mì cơ bản với nhân thập cẩm bao gồm trứng, chả, hành tây, xúc xích,… tất cả được xào trên 1 cái chảo lớn và cho vào bên trong bánh mì nóng giòn. Vì chỉ bán vào ban đêm, phù hợp cho những người dân thích đi chơi, đi phượt đêm đói bụng và ăn chiếc bánh mì vào ban đêm, cái tên bánh mì dân tổ từ đó ra đời.
Bánh mì thanh long (Hà Nội): Xuất hiện vào thời điểm Việt Nam giãn cách và biên giới Việt-Trung bị đóng cửa làm cho nhiều loại nông sản, và thanh long xuất khẩu bị tắc biên rất nhiều. Những người làm bánh ở Hà Nội đã nghĩ ra một cách là làm bánh bằng ruột thanh long. Phong trào nhanh chóng được hưởng ứng và đem lại một kết quả tích cực, bánh mì thanh long đợt đó là một trend trên mạng xã hội một thời gian dài…
Bánh mì đầu nhọn (Hội An): Một chiếc bánh mì thập cẩm bao gồm chả giò, thịt, pate, trứng, rau sống, dưa chuột thêm một lượt nước xốt thơm ngon. Điểm đặc biệt của chiếc bánh mì là có 2 đầu nhọn làm cho thực khách thích thú, ăn vào cũng rất rất ngon.
Bánh mì phá lấu (Sài Gòn): Bánh mì nóng giòn được ăn cùng một bát phá lấu. Phá lấu có nguyên liệu chính là lòng bò và lòng heo, được nấu lên và chấm ăn cùng bánh mì. Hương vị độc đáo đó cũng hút hồn biết bao thực khách Sài Gòn.
Bánh mì cay (Hải Phòng): Một thứ làm nên tên tuổi của ẩm thực Hải Phòng. Bánh mì cay hay còn gọi là bánh mì que Hải Phòng, với hình ảnh chiếc bánh bé xíu dài, bên trong chỉ có một lớp pate được chấm cùng với chí chương đặc biệt (tương ớt). Đảm bảo với bạn, càng ăn càng mê.
Bánh mì bóng đêm (Quảng Ninh): Để làm ra những chiếc bánh mì này thì ngoài nguyên liệu cơ bản thì còn có thêm bột than tre và mật ong. Sau khi sơ chế thành phẩm và nướng lên cho ra những chiếc bánh mì đen nhưng không hề cháy. Bánh mì thơm mùi mật ong và có màu sắc đặc trưng của than tre.
Bánh mì xíu mại (Đà Lạt): Bánh mì xíu mại nóng hổi, thơm ngon, được ăn vào thời tiết se se lạnh giống với thời tiết của Đà Lạt phải nói là ngon khỏi bàn. Viên xíu mại béo ngậy ăn với bánh mì nóng giòn, hương vị hòa quyện với nhau ăn thực sự rất cuốn
Bánh mì kem (món ăn vặt tuổi thơ của người Việt Nam): Tưởng chừng hai thứ tưởng không hợp mà hợp không tưởng. Tuổi thơ ai đã từng ăn món này thì khi nhắc lại, bao kí ức xưa ùa về. Lúc nhỏ có món ăn vặt này là bạn thuộc hàng dư giả rồi đó. Đang chơi với tụi nhỏ cùng xóm mà nghe xe kem chạy ngang lắc chuông “leng keng” là chạy nhanh đến mua. Bánh mì mềm thơm, ăn với miếng kem lạnh buốt, ngon ơi là ngon.
Bánh mì nướng muối ớt (An Giang): Ban đầu, bánh mì nướng muối ớt bắt nguồn từ người dân Khơ me, chỉ đơn giản là phết muối ớt lên bánh mì rồi nướng trên than củi là ăn. Về sau, bánh mì muối ớt đã trở thành món ăn vặt không hề xa lạ trước cổng trường của học sinh, sinh viên khắp cả nước. Bánh mì được ép dẹp và phết sa tế, mật ong vàng ươm nướng giòn cùng topping trứng, xúc xích, chà bông,… ngập mặt bánh mì vừa giòn lại vừa béo cùng sốt mayonnaise vừa cay cay. Đó là một sự kết hợp xuất xắc!
…
Có rất nhiều loại bánh mì với biến tấu bởi mỗi địa phương, mỗi vùng miền. Ở đâu bánh mì cũng ngon và chúng góp phần làm đa dạng ẩm thực của Việt Nam. Bánh mì đã và đang tiếp tục được thế giới công nhận, là sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa ẩm thực dân tộc với nền ẩm thực thế giới, là niềm tự hào của nước ta.